Ai cũng phải tích cực thực hiện Nghị quyết 11


QĐND – “Doanh nghiệp dân doanh hiện đóng góp khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), là yếu tố quan trọng trong việc bình ổn giá cả thị trường. Vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ không chỉ là việc riêng của các doanh nghiệp nhà nước, mà cần có nỗ lực chung của tất cả các doanh nghiệp dân doanh”.

Ông Hồ Huy – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh (gọi tắt là Tập đoàn Mai Linh) đã mở đầu cuộc đối thoại với chúng tôi về việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ ở doanh nghiệp mình như vậy.


Ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh

Cắt giảm đầu tư, triệt để thực hành tiết kiệm

Phóng viên (PV):
Thưa ông, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị quyết 11) xác định, để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì phải thực hiện việc rà soát, cắt giảm đầu tư công. Mai Linh là một doanh nghiệp cổ phần, việc này được thực hiện như thế nào?

Ông Hồ Huy: Chúng tôi nghĩ rằng, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ không chỉ để ổn định kinh tế vĩ mô, mà có tác dụng thiết thực đối với chính từng doanh nghiệp. Từ nhiều năm nay, Nghị quyết của Đại hội cổ đông Tập đoàn Mai Linh đều xác định: Nếu những dự án nào lợi nhuận đạt dưới 18% thì không được đầu tư; những công ty con, chi nhánh nào làm việc không hiệu quả thì phải cải tiến, xử lý và thậm chí là giải thể Chúng tôi kiên quyết “cắt gọt” những chi phí đầu tư không hiệu quả. Ngay cả chi phí văn phòng, giấy tờ, điện nước, hội họp… cũng phải cắt giảm tối đa…

PV: Cụ thể trong năm nay, Tập đoàn Mai Linh có cắt giảm hoặc tạm dừng đầu tư dự án nào không?

Ông Hồ Huy: Hiện tại, hoạt động kinh doanh vận tải ta-xi của Mai Linh đã có mặt tại 53 tỉnh, thành phố. Trong năm 2011 này, chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư 10 triệu USD (khoảng hơn 200 tỷ đồng) để phát triển hệ thống ta-xi ở 10 tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc (mỗi tỉnh bình quân khoảng 1 triệu USD) nhằm mục tiêu phủ kín hệ thống trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng đã quyết định tạm dừng lại.

Dự kiến, trong vòng 3 năm tới, chúng tôi cũng sẽ đầu tư, nâng cấp đổi mới hệ thống xe trị giá khoảng 300 triệu USD, tương đương với 6000 tỷ đồng, nhưng cũng sẽ tạm dừng đầu tư mà cải tiến, bảo dưỡng, tân trang phương tiện cũ để tiếp tục khai thác nó. Dĩ nhiên, cũng có những chủng loại xe chúng tôi đầu tư theo kiểu “cuốn chiếu” chứ không vội vàng đầu tư thay thế toàn bộ.
Chúng tôi còn có một khoản tiết kiệm rất hiệu quả, đó là tiết kiệm chi phí đi lại, công tác. Tập đoàn Mai Linh hiện có gần 100 công ty thành viên, ở tất cả các khu vực trong cả nước, mỗi lần tổ chức họp hành đi lại rất tốn kém. Bằng việc xây dựng 10 phòng giao ban trực tuyến (online) đặt tại những địa điểm trung tâm như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… chúng tôi đã tiết kiệm được hàng tỷ đồng đi lại, chi phí ăn ở.

PV: Nhiều doanh nghiệp khi giá xăng vừa tăng đã quyết định “tát nước theo mưa” làm bất ổn thêm giá cả thị trường cước phí vận tải. Ở Mai Linh thì sao?
Ông Hồ Huy: Chúng tôi chấp nhận không tăng giá để góp phần vào việc kiềm chế lạm phát. Trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay, hầu hết các hãng xe ta-xi đều tăng giá. Thế nhưng Mai Linh, mặc dầu là đơn vị dẫn đầu về vận tải dân doanh trong nước, lại không tăng giá. Cụ thể là đã 6 tháng qua, chúng tôi vẫn giữ nguyên giá. Tôi nghĩ rằng, Nghị quyết 11 của Chính phủ chính là biện pháp bình ổn giá, vậy thì các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm túc. Ở đây, dưới góc độ là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước thì cũng là một thành phần cấu thành nền kinh tế. Hiện có tới 40% GDP là do sự đóng góp của doanh nghiệp tư nhân, nếu khu vực này bất ổn thì cả nền kinh tế bất ổn, xã hội cũng bất ổn. Từ nhận thức này, tôi nghĩ dù thuộc thành phần kinh tế nào cũng phải thấu hiểu và thực hiện cho nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ.
An sinh chính là giúp người lao động có công ăn, việc làm!

PV: Một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết 11 của Chính phủ là bảo đảm an sinh xã hội. Ở Mai Linh việc làm, đời sống của người lao động được thực hiện ra sao thưa ông?

Ông Hồ Huy: Là doanh nghiệp vận tải dân doanh lớn nhất Việt Nam với số lượng đầu xe lên đến 10.000 chiếc, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia. Số lao động trong Tập đoàn Mai Linh hiện lên tới gần 30.000 người. Để bảo đảm việc làm, đời sống cho đội ngũ này thực sự là vấn đề nan giải, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu, lãi suất ngân hàng tăng cao, nếu thu nhỏ hoạt động và chấm dứt hợp đồng của hàng nghìn người lao động, Mai Linh có thể giảm bớt gánh nặng trong thời điểm này. Tuy nhiên, chúng tôi không thể làm được như vậy. Là một doanh nghiệp luôn đề cao tính nhân văn, đề cao giá trị vì cộng đồng, chúng tôi không thể vì quyền lợi riêng mà lấy lý do sa thải người lao động ra ngoài đường trong lúc khó khăn!

PV: Vậy, các ông có biện pháp gì để duy trì một lực lượng đông đảo lao động trong bối cảnh không ít khó khăn này?

Ông Hồ Huy: Điều quan trọng là chúng tôi sắp xếp, bố trí công việc hợp lý nhất. Trên thực tế, gần 30.000 con người này chúng tôi sắp xếp vào nhiều nhóm công việc một cách phù hợp. Đồng thời, cũng điều chuyển từ bộ phận cần sử dụng ít lao động sang bộ phận nhiều lao động. Chẳng hạn như các thợ ở cơ sở sửa chữa, lắp ráp sau khi thu nhỏ lại được hỗ trợ đi học lái xe, có thu nhập cao hơn. Như thế, chúng tôi vừa cắt giảm được chi phí ở những công đoạn không cần thiết mà người lao động vẫn có công ăn việc làm ổn định.

Chúng tôi cũng có một cách giải quyết chính sách xã hội rất hiệu quả là tạo điều kiện cho mỗi nhân viên là những nhà đầu tư. Anh em lái xe có thể đầu tư khoảng 30%, 50%, 70% hoặc 100% giá trị chiếc xe mang thương hiệu của Mai Linh, Tập đoàn thực hiện chế độ thuế đối với Nhà nước thay cho hộ cá thể. Từ đó, người lao động có thu nhập cao hơn.

PV: Vậy đã có bao nhiêu nhà đầu tư là nhân viên Mai Linh thưa ông?

Ông Hồ Huy: Hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng nghìn nhà đầu tư dạng này. Còn ở Hà Nội cũng đã khoảng 300 nhà đầu tư. Thực tế, các xe này có chất lượng tốt hơn, sạch sẽ, thái độ lái xe vui vẻ, lịch sự, hành trình an toàn. Thậm chí, doanh thu xe của công ty thường thấp hơn ít nhất là 10% so với xe do chính các nhà đầu tư sử dụng. Đây là dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh và kinh doanh hộ cá thể trong mô hình thương hiệu lớn của Mai Linh. Cách làm này chính là giúp người lao động có thu nhập ổn định, bền vững, và đó cũng chính là góp phần thực hiện an sinh xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11 của Chính phủ.

PV: Xin cảm ơn ông!


Nhất Ngôn – Hoài Trung (Thực hiện)
Nguồn bài viết: Báo Quân Đội Nhân Dân – ngày 14.08.2011 (http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/97/97/157386/Default.aspx)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *