Dương Thị Tuyết Trinh, giải nhất môn Ngữ văn kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm ngoái, hiện đang là sinh viên ĐH Ngoại thương đã đề xuất "sửa đề thi đại học môn Ngữ văn khối D" khi tham gia "làm bài thi đại học" với VietNamNet. Dưới đây là bài viết của Tuyết Trinh.
Thí sinh trước giờ thi ĐH. Ảnh: Hương Giang
Tôi cứ nghĩ rằng, sự nổi tiếng không phải bông hoa hồng mọc cheo leo trên đỉnh núi hay sườn dốc. Bởi giản đơn hoa hồng thích mọc trong vườn nhà tôi hơn… bởi đấy là định mệnh của nó.
Không, tôi lại không muốn bàn đến định mệnh như một sự bất khả kháng. Tôi muốn bàn đến cái sự sinh ra đã có và cái sự cố gắng để có.
Quay ngược thời gian để thấy danh từ “sự nổi tiếng” không chỉ có tác động mạnh mẽ trong thời hiện tại.
Kể cả một quá khứ dài và sâu, khi nó mang cái tên “danh” cũng được Nguyễn Công Trứ khẳng định chắc chắn rằng:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”
Người đời xưa nói “danh”, người đời nay nói “sự nổi tiếng”.
Và vừa qua người ta nói “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích”.
Tôi xin tách vế đầu ra để suy nghĩ: “Đừng cố gắng trở thánh người nổi tiếng…”. Có vẻ như vế đầu này khiến người đọc bị ấn tượng mạnh mẽ hơn vế câu sau. Thật tội nghiệp cho “sự nổi tiếng”.
Người ta nói có những người sinh ra đã là người nổi tiếng. Định mệnh cho họ cái mà người khác không có: một giọng hát hay, một trí tuệ siêu việt, một vẻ đẹp hoàn mĩ….
Rồi họ trau chuốt cho tài năng của mình nở rộ để người đời được chiêm ngưỡng nó.
Nhưng có những người luôn phải cố gắng bằng mọi cách để được nổi tiếng. Người ta cứ nhìn vào những “ác mộng” ngày nay để chỉ trích: những thảm họa âm nhạc, những vụ tự tử, những vụ giết người, những kẻ điên loạn… và sau tất cả lại nói trong sung sướng: “tôi không biết mình đã làm gì nhưng tôi sẽ được lên báo và nổi tiếng”.
Sự điên cuồng muốn khẳng định cái “tôi” khiến chúng ta trở nên sợ sự nổi tiếng. Nó như ma túy gây ra nhiêu thảm họa cho những kẻ cố gắng bằng mọi giá để tên mình được nhiều người biết đến.
Nhưng xin đừng thấy vậy mà xa lánh sự nổi tiếng. Ấy chính là động lực. Cố gắng trở thành người nổi tiếng là giấc mơ trần tục nhất mà con người muốn có.
Được nhiều người biết đến mình, được đưa cái “tôi” đạt đến tuyệt đích. Được phô bày những tài năng, phẩm hạnh của mình cho thế hệ sau.
Giấc mơ ấy khiến người ta không còn muốn giam giữ mình sống lặng lẽ để rồi ra đi lặng lẽ.
Người đời cứ gán cho mình những mục đích cao cả mà quên đi mục đích con người nhất.
Một người anh hùng xông pha giữa sa trường, đó là vì: phá cường địch, báo hoàng ân. Nhưng đâu phải người anh hùng ấy không nghĩ đến bốn chữ: lưu danh thiên cổ.
Tôi thiết nghĩ muốn được nổi tiếng không xấu. Michael Jackson ra đi trong sự xót thương của cả thế giới.
Đừng nói với tôi con người ấy không cố gắng để được nổi tiếng. Anh ấy có tài năng mà định mệnh lựa chọn.
Nhưng đó chỉ là nền tảng. Sự nổi tiếng của Michael Jackson là cả một cuộc đời cố gắng, theo đuổi và khẳng định mình.
Nhắc đến Ngô Bảo Châu, đừng nói với tôi giáo sư sáng tạo ra công trình toán học ấy chỉ vì niềm đam mê, chỉ muốn mang ích lợi đến cho cộng đồng. Không. Giáo sư cũng nghĩ đến sự nổi tiếng. Đó không phải mục đích chính. Nhưng chính suy nghĩ rằng mình sẽ được cả thế giới biết đến cũng góp phần thôi thúc một con người vốn làm bạn với phòng nghiên cứu làm nên được những điều kì diệu.
Sống có ích thật tuyệt vời. Con người phải sống và làm cho cuộc sống của mình có ích.
Nhưng đôi khi chúng ta cần sống có ích để làm nền tảng cho một sự nổi tiếng.
Tôi có nghe câu chuyện về những người hiến thận giúp người, về những người quyên góp tiền ủng hộ bao hoàn cảnh khó khăn.
Khi phỏng vấn họ chúng ta muốn có được câu trả lời rằng họ làm vậy vì giúp người, vì tình thương.
Nhưng nếu có ai nói: tôi cứu người vì muốn được nổi tiếng, thì cũng đừng vội lên án họ. Đó lại là câu trả lời rất thành thực. Làm điều tốt và muốn được nổi tiếng để mọi người biết đến việc tốt của mình, làm theo và nhân rộng việc tốt ấy. Đó là một cách khôn ngoan để khiến tầm ảnh hưởng của việc sống có ích của một cá nhân phủ bóng lên nhiều cá nhân khác.
Xin mạn phép sửa lại câu nói trong đề thi văn năm nay: “Hãy trở thành người nổi tiếng, nhưng trước tiên hãy là người có ích”.
Người ngày xưa thích bất phương trinh, thích sự lựa chọn. Nhưng người của ngày nay không muốn lựa chọn nhiều.
Chúng tôi thích cả gỗ cả nước sơn. Chúng tôi thích cả cái tốt và cái xấu. Và bây giờ chúng tôi cần cả sự có ích và sự nổi tiếng. Bởi một đẳng thức sẽ tốt hơn một bất phương trình khó giải.
Đến bây giờ thì tôi nghĩ sự nổi tiếng nếu là một bông hoa hồng thì nó thích mọc trong vuờn hơn.
Ai cũng cố trồng một bông hoa hồng trong vườn nhà mình. Có những người trồng được, có những người không.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng: bạn sẽ trở thành người làm vườn xuất sắc nếu như trong “công cuộc” trồng hồng ấy, bạn còn khiến cho mọi loài hoa khác trong mảnh đất của mình đâm nụ và nở hoa rực rỡ. Dẫu rằng hoa hồng không nở, tôi vẫn sẽ có hàng ngàn những nụ hoa xinh xắn rồi đây sẽ đơm hương cho cuộc đời của tôi.
Dương Thị Tuyết Trinh (sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội)
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/30883/sinh-vien-ngoai-thuong-man-phep-sua-de-dai-hoc.html
Niềm Tin Cuộc Sống – "Tất cả đều có thể nếu có Quyết Tâm" !
Website: http://NiemTinGroup.tk