Thành công không phải là điểm đến (Tuoitre.com.vn ngay 26.12.2008)

TTO – Tin chiến thắng của Đội tuyển Việt Nam làm nức lòng những người hâm mộ. Hôm nay trên tất cả các trang báo là các tít bài “hoành tráng” cũng như tràn đầy những hình ảnh ăn mừng từ khắp mọi nơi. Nhưng cũng chỉ cách đây 10 ngày thôi, cũng trên những trang báo đó và cũng chính những người hâm mộ đó là những gì thất vọng và buồn chán.

Thực ra điều này cũng không có gì là lạ, bởi vì bóng đá là vậy, trên khắp thế giới đều vậy chứ không phải chỉ riêng Việt Nam mới như thế. Khi thất bại thì không còn lời nào cay nghiệt hơn nhưng khi chiến thắng thì không còn lời nào để tung hô hơn.

Là một người hâm mộ, tôi cũng có rất nhiều cảm xúc, tôi xin được cùng chia sẻ với tất cả các bạn những suy nghĩ của mình về đội tuyển Việt Nam.

Thứ nhất, điều đầu tiên tôi nghĩ tới, đó là triết lý “học từ sai lầm”: Cho đến giờ phút này tôi rất khâm phục ông Calisto ở điểm này. Ông đã dẫn dắt đội tuyển Việt Nam chỉ thua và hòa cho đến trận thứ 14, ông đã phải nhận không biết bao lời chỉ trích, thậm chí có lúc còn có nguy cơ phải từ chức.

Ông đã luôn dám chấp nhận mạo hiểm bằng cách dám phạm sai lầm để từ đó học hỏi. Trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống, hầu hết người ta thành công vì họ phạm phải sai lầm chứ không phải họ thành công. Nếu bạn thành công từ thành công thì thành công đó chỉ luôn ngắn hạn và nhỏ bé, nhưng chỉ từ sai lầm và học hỏi từ nó thì bạn mới có thể thành công lâu bền và to lớn.

Thứ hai, triết lý “thành công là một hành trình chứ không phải điểm đến”. Chúng ta cứ thử hình dung, nếu vào tối chủ nhật tuần này chúng ta chiến thắng Thái Lan, các bạn sẽ vui mừng được bao lâu, tôi tin rằng sẽ không quá một tuần và ngược lại nếu chúng ta thua thì nỗi buồn cũng không quá một tuần đâu.

Cho dù bạn có vô địch thế giới, vô địch châu Á, hay vô địch AFF Cup thì cũng không có gì khác biệt. Chính vì vậy khao khát và con đường vươn tới đỉnh cao mới đem lại hạnh phúc đích thực, bởi vì chỉ có một hành trình tốt, mặc dù đầy vất vả và thăng trầm, bạn sẽ có một kết quả tốt với đầy niềm vui và hạnh phúc, cho dù chúng ta phải chờ đợi. Đôi khi bạn có thể đạt kết quả tốt nhưng lại không có một hành trình tốt thì hạnh phúc đó cũng sẽ ngắn ngủi và không lâu bền.

Triết lý thứ ba, “đối mặt với sự thực phũ phàng”: Mặc dù rất vui mừng và đầy cảm xúc sau chiến thắng của ĐTVN trước người Sing và Người Thái đêm 24-12 vừa rồi thì tôi cũng dám nói rằng, chúng ta còn thua xa người Thái, bởi vì ở ĐNA chỉ có duy nhất người Thái mới thực sự đạt được đẳng cấp bóng đá.

Chúng ta cũng như người Indo hay Sing thì vẫn đá bóng bằng tinh thần, may mắn, phong độ…Người Thái đá bóng bằng cái đầu, kỹ năng và đẳng cấp. Cho nên với triết lý này, bằng lý trí tôi tin là chúng ta chưa thể thắng được người Thái. Chúng ta phải đối mặt với sự thật này để tìm ra giải pháp tốt nhất đạt được mục tiêu của mình.

Tôi nghĩ rằng chúng ta nên đặt mục tiêu “Sánh vai với người Thái” hơn là “Chiến thắng người Thái”. Nếu với suy nghĩ này rất có thể chúng ta sẽ tìm ra được chiến thắng hoặc kể cả thất bại thì cũng đem lại những niềm vui đích thực hoặc lâu bền cho người hâm mộ.

Triết lý thứ tư, “đối mặt với sự thực phũ phàng nhưng giữ vững niềm tin chiến thắng đến cùng”, bạn sẽ tìm ra được giải pháp từ việc đối mặt với thực tế chứ không phải phụ thuộc vào điều “bạn muốn”. Chúng ta sẽ phải tìm ra những điểm mạnh, những vị trí, những con người mà người Thái không có được.

Ai cũng có những điểm mạnh của mình, chẳng có gì là tuyệt đối. Với cái đầu lạnh và sự tỉnh táo, niềm tin mãnh liệt của tất cả mọi người rằng chúng ta sẽ lần đầu tiên vô địch ĐNA trên cơ sở đối mặt với thực tại để tìm ra giải pháp là cách tốt nhất lúc này.

Chúng ta cần phải ngạo nghễ giành chiến thắng cũng như ngẩng cao đầu khi thua trận, chắc chắn điều này sẽ đem lại niềm vui bất tận cho người hâm mộ và nỗi buồn sâu lắng hơn là những gì hời hợt. Chúng ta nên tìm niềm vui trong vẻ đẹp thực sự của bóng đá hơn là cay cú ăn thua.

Triết lý cuối cùng, “xây nhà từ móng” chứ không phải “xây nhà từ nóc”: câu nói nổi tiếng của ông Riedle nên là chiến lược của bóng đá Việt Nam. Đây là điểm yếu nhất của chúng ta, chúng ta luôn khao khát vô địch trên cơ sở sự mong muốn và ngắn hạn trong khi đó chúng ta không có một tầm nhìn, không có những con người phù hợp để xây dựng nền bóng đá phát triển vững bền và dài hạn thì rất khó có thể nâng tầm của chúng ta lên được.

Có một nguyên tắc rất quan trọng trong kinh doanh có thể áp dụng vào bóng đá, đó là: Đúng người, đúng cơ hội và đúng tiền. Đúng người, đúng việc, đúng thời điểm. Bóng đá muốn phát triển, trước hết chúng ta phải có những con người phù hợp để chèo lái con thuyền bóng đá Việt Nam.

Mọi người thường nói “Con người là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp”, điều này là sai mà phải sửa lại rằng “Con người phù hợp là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp”. Bóng đá và kinh doanh không có gì khác biệt.

Chiến lược của tôi xin đề xuất là “Sánh vai cùng người Thái chứ không phải chiến thắng người Thái”. Nếu bạn hiểu được chiến lược này tôi tin rằng bạn sẽ có cách để chiến thắng người Thái.

NGUYỄN TUẤN ANH (Nguyên PTGĐ Công ty CPPTBĐVN VFD)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *