CHU TICH TAP DOAN MAILINH – BAC HO HUY – NGUOI CHA TINH THAN CUA TOI (TRUONG HONG HA)

Những dòng tâm sự, được viết từ lâu lắm rồi, từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, và rồi giờ đây, Tôi đã làm trong công ty…………….

CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN MAI LINH:

Ông Hồ Huy – Chủ tịch tập đoàn Mai Linh "Doanh nhân phải có trách nhiệm với xã hội…"
08:48 19/06/2008(GMT + 7)

Hồ Huy nổi tiếng không chỉ bởi thương hiệu Mai Linh mà ông gây dựng mười lăm năm qua, mà còn vì cá tính của một doanh nhân từng là người lính trinh sát, táo bạo và quyết liệt, những tố chất được rèn giũa từ chiến trường sinh tử đã làm nên một Hồ Huy thao lược trên thương trường.


Bạn bè thường nói ông hay tìm về với đồng đội cũ, chiến trường xưa. Mấy chục năm qua rồi mà ông vẫn còn nặng lòng với thời áo lính?

– Bởi vì đó là một khoảng thời gian để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời tôi. Năm 1972, mười sáu tuổi, khi vừa rời ghế nhà trường, tôi đã vào chiến trường. Tôi là lính trinh sát, đi qua trận mạc hiểm nguy, sẵn sàng chết. Không biết phải gọi điều đó là gì nữa nhưng thời ấy thế hệ chúng tôi có suy nghĩ như thế.

Cuối chiến dịch Hồ Chí Minh, từ ngã ba Vũng Tàu vào Sài Gòn, tôi nhìn hai bên những xác lính, quân trang đồ đạc vứt ngổn ngang. Trưa ngày 30.4.1975 tôi có mặt ở ngã tư Hàng Xanh. Chiến thắng và chiến tranh kết thúc, sự mừng vui không thể nói hết nhưng rồi lòng cũng nặng những ưu tư, bạn bè tôi mười người ra trận thì tám người nằm lại với núi sông. Tôi như người đánh cắp sự may mắn của đồng đội. Nợ nần đó làm sao trả hết với cuộc đời?

Có nhà thơ lính từng viết: “Anh già hơn em một cuộc chiến tranh", chắc là vậy nên ở cái tuổi chưa tròn hai mươi ông đã có ray rứt thế chăng? Và điều đó đã đánh thức điều gì trong ông?

– Tôi chỉ có những cảm xúc đầy ắp ban đầu như thế, rồi nó lớn dần lên theo từng chặng đường đời. Những ngày tháng đói nghèo sau chiến tranh gợi trong tôi suy tư về giá của chiến tranh. Mất nước là một nỗi nhục, nhưng đói nghèo cũng là nỗi nhục lớn. Năm 1976 tôi được đi học ở Liên Xô cũ, ở xứ người mà trong túi không có một đồng, thèm cốc bia không có uống, thấy chiếc áo đẹp không có tiền mua, nhìn người ta mà lòng mình ê chề. Chính vì thế mà mình nghĩ phải làm gì để con cháu mình sau không lâm vào cái cảnh như cha chú nó.

Tôi là người lính nên không chịu người ta coi thường mình, hay nói đúng hơn là không để tự mình coi thường mình. Tôi từng đi đóng thùng nhà máy rượu, hái táo cho các nông trang, bốc xếp ở ga xe lửa để kiếm tiền. Có lần, chúng tôi bốn thằng bốc một toa tàu 60 tấn ximăng trong một ngày để kiếm được 10 rúp. Sau một ngày làm việc, thân xác rã rời vì làm quá sức. Năm 1981 tôi phụ trách lao động ở Tiệp Khắc, thời ấy họ cũng quý người VN nhưng trong mắt họ vẫn có cái nhìn khác, họ coi mình là dân của một nước nghèo. Tôi không cam chịu điều đó, tôi nghĩ thế hệ chúng tôi vào sống ra chết để rồi mang nhục đói nghèo hay sao? Nghèo đi với hèn. Mong muốn rửa cái nhục đói nghèo hối thúc tôi phải làm điều gì đó.

Hàng năm CBCNV tập đoàn Mai Linh tổ chức các chuyến về nguồn

Và ông chọn con đường kinh doanh vận tải để khởi đầu?

– Không phải ngay lúc đó mà cuộc đời luôn có những cơ duyên, thú vị hơn khi nghĩ rằng đời tôi gắn liền với chuyện "xe cộ". Từ nhỏ tôi rất thích ôtô. Ra lính đi học ngành cơ khí ôtô. Năm 1980 vào làm ở xí nghiệp cơ khí sửa chữa ôtô. Đi Tiệp Khắc cũng làm đội trưởng quản lý lao động ở nhà máy đại tu ôtô – máy kéo. Năm 1986 làm việc cho Saigon Tourist cũng được điều về xí nghiệp ôtô, làm lái xe cho ban giám đốc, lái xe cho thủ trưởng Dương Văn Đầy. Lái xe cho anh Đầy chỉ một thời gian ngắn nhưng được vợ chồng anh chị ấy thương lắm. Năm 1989 tôi lại chuyển sang làm sửa chữa ôtô, lái xe, phụ xe, đội trưởng đội xe khoán Saigontourist…

Thời gian sống ở nước ngoài, tôi quan sát thấy người ta có hệ thống taxi phục vụ du khách rất thuận tiện và hiệu quả. Nên khi làm ở Saigon Tourist, tôi có đề xuất hình thức kinh doanh đó, nhưng mình "thấp cổ" quá, nói không ai nghe. Rồi cơ hội đến, 1988 Saigon Tourist nhập 100 xe du lịch nhưng khai thác không hiệu quả, chủ yếu để nằm bãi. Tôi đề xuất được khai thác số xe đó với phương thức khoán. Tôi tổ chức kinh doanh, tích cực đi tìm các nguồn khách hàng. Sau đó nhận thêm 10 chiếc, rồi 20 chiếc, tất cả đưa vào dịch vụ cho thuê xe có người lái. Lúc đó ở xí nghiệp lương lái xe từ 300.000-500.000đ/tháng, còn lương của lái xe thuộc đội tôi do theo cơ chế khoán và kinh doanh hiệu quả nên thu nhập 300USD/người/tháng gấp khoảng 10 lần ở xí nghiệp, riêng lương của tôi được 1.000USD/tháng.

Vào thời điểm đó có thu nhập cao và công việc thuận lợi như vậy mà bỏ ra riêng để quyết tâm làm ông chủ?

– Năm 1991 có sự kiện Tổng thống Pháp Franois Mitterrand sang VN. Sở Ngoại vụ TPHCM hỏi thuê 100 xe du lịch để phục vụ đoàn. Tôi đi thuê lại và gom đủ 100 xe nhưng sau đó bị khiển trách vì dám tự ý ký hợp đồng. Tôi xin nghỉ vì thấy rằng nếu làm việc mà không có quyền quyết định những điều có lợi cho đơn vị thì không nên làm. Vào thời điểm đó, đất nước có nhiều đổi mới, nhận thấy cơ hội kinh doanh vận tải rất thuận lợi, tôi thành lập Cty Mai Linh, bạn bè nói "mày dám cạnh tranh với Saigon Tourist à?".

Tôi im lặng bắt tay gầy dựng, vay mượn bạn bè sang một kiốt 10m2 ở số 46 đường Nguyễn Huệ để làm văn phòng, 5 người làm việc, 20 xe, trong đó 18 chiếc tôi phải thuê. Đến nay sau 15 năm, Mai Linh có 15.000 cán bộ nhân viên, có đội xe lớn nhất nước với 5.000 chiếc. Sau ngần ấy thời gian, từ một Cty nhỏ phát triển thành một tập đoàn có hơn 100 thành viên, hoạt động ở 52 tỉnh thành trên cả nước và tại ba quốc gia khác là Mỹ, Lào và Campuchia. Năm xưa hành quân trên Trường Sơn, nhiều lúc đuối sức nên ao ước có một chuyến xe đưa mình một đoạn. Nay trong tay có mấy ngàn chiếc xe phục vụ người dân khắp mọi miền đất nước, món nợ của giấc mơ ngày ấy cũng trả được ít nhiều.

Hiện nay Mai Linh kinh doanh đa ngành nghề, giới doanh nhân bảo rằng ông Hồ Huy chuyện gì cũng xen vào làm được, đa mang như thế liệu có hiệu quả không thưa ông?

– Một doanh nghiệp luôn có định hướng hoạt động trong từng thời kỳ. Trong kinh doanh phải phản ứng nhanh, chớp lấy những cơ hội để thành công. Tôi học được cái kỹ năng ấy từ những năm khoác áo lính trinh sát. Tôi làm gì được học kinh doanh tử tế, chỉ lấy thương trường làm người thầy, thất bại và thành công làm bài học. Tôi có tham gia Tổ chức Các nhà lãnh đạo trẻ (YPO), đây là một tổ chức quốc tế để các doanh nhân tham gia, trao đổi học hỏi lẫn nhau. Qua tìm hiểu và học hỏi từ các doanh nhân khác, tôi rút ra được nhiều điều, trong đó có sự thành công của các công ty kinh doanh đa ngành. Tôi hình thành cơ chế công ty đa ngành cho Mai Linh, lấy vận tải làm chủ lực.

Các ngành khác là dịch vụ du lịch, đào tạo nghề, mua bán và sửa chữa ôtô, xây dựng và kinh doanh địa ốc. Năm 2007, chúng tôi mở thêm hai lĩnh vực mới đó là năng lượng (thuỷ điện) và kinh doanh xăng dầu. Đối với lĩnh vực vận tải, chúng tôi xây dựng hệ thống liên vận quốc tế qua 7 nước, đã khai thác ở hai nước Lào và Campuchia. Một số nước khác đang vướng thủ tục pháp lý, còn mọi thứ khác đều đã sẵn sàng. Mục tiêu của Mai Linh là xây dựng thành tập đoàn lớn nhất Châu Á về vận tải hành khách.

Hiện nay Mai Linh chỉ đứng sau một tập đoàn vận tải của Singapore với 18.000 đầu xe. Chúng tôi có kế hoạch trong hai năm tới, Mai Linh sẽ có 10.000 xe. Năm 2015, khi Mai Linh kỷ niệm 20 năm thành lập thì sẽ vượt lên đứng đầu Châu Á về vận tải.

Vừa qua có thông tin ông qua Mỹ mở hãng taxi và có luôn dự án mở hãng hàng không nữa, ông có thể nói thêm thông tin này?

– Chúng tôi đang đàm phán với một công ty vận tải ở Washington DC, mua lại với giá một triệu USD để triển khai dịch vụ taxi Mai Linh tại Mỹ. Chúng tôi cũng tiến hành mua một công ty taxi ở Tokyo để kinh doanh tại Nhật Bản. Chiến lược của Mai Linh là trở thành công ty vận tải toàn cầu. Tôi cũng được nước bạn Lào đề nghị hợp tác kinh doanh hàng không cho nên tôi với anh Nguyễn Thành Trung đang tiến hành thành lập hãng hàng không tại Lào. Tất cả chỉ còn chờ các thủ tục pháp lý của nước sở tại. Không chỉ lĩnh vực hàng không, chúng tôi sẽ triển khai ngành vận tải biển. Nước mình có 3.200km bờ biển, đây là tiềm năng và thế mạnh không thể bỏ qua. Vận tải biển sẽ giảm áp lực giao thông đường bộ, lợi ích mà nó đem lại cho đất nước không chỉ là kinh tế mà còn chính trị, xã hội.

Bạn bè nói ông làm việc một ngày 12 tiếng, ông không dành thì giờ để nghỉ ngơi, ôm đồm quá e rằng quá mệt một kiếp người?

– Để gia đình tôi sống thì chỉ cần 10 chiếc taxi là đủ. Nhưng doanh nhân phải có trách nhiệm với xã hội, phải mang sứ mệnh góp phần rửa cái nhục đói nghèo. Trước hết tôi phải có trách nhiệm với 15.000 người lao động của Mai Linh, trong đó còn có thêm gia đình, vợ con của họ. Tôi có khát vọng và quyết tâm xây dựng một tập đoàn toàn cầu mang thương hiệu VN như nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài. Cộng đồng doanh nghiệp trong nước làm thế nào để nay mai người ngoài phải đến Việt Nam làm việc cho các doanh nghiệp VN như bây giờ người Việt đang làm cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Muốn làm được điều đó chúng ta phải học nhiều từ các dân tộc khác. Chúng ta có ý chí không chịu làm nô lệ, nhưng phải học cách làm việc như người Nhật, tự ái dân tộc như người Hàn Quốc, khôn ngoan như người Trung Quốc và biết làm giàu như người Mỹ… Một doanh nghiệp không sợ thiếu vốn nhưng chỉ sợ thiếu nhân tài. Nếu mỗi người trong cương vị của mình từ bất cứ nơi đâu đều có ý thức đóng góp, vì “dân giàu nước mạnh” trong đó có vai trò của lực lượng doanh nhân thì nước mình mới thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu.

Xin cảm ơn và chúc ông thành công.

LÊ THANH PHONG thực hiện

5 Replies to “CHU TICH TAP DOAN MAILINH – BAC HO HUY – NGUOI CHA TINH THAN CUA TOI (TRUONG HONG HA)”

  1. thanh tung writes:chao ban minh dang tim hieu ve cty Mai linh, ban co tai lieu ve cty tu luc thanh lap cho den bay gio ko? va minh cung nghe noi ve HO Huy 1 nguoi rat noi tieng cho linh vuc van tai minh cung rat muon biet ve cach quan li cty cua ong ay, tai minh dang hoc nghanh quan tri nen rat muon hoc hoi kinh nghiem nguoi di truoc, neu ban co tai lieu thi lam on gui cho minh nha. [email protected] .Cam on ban rat nhiu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *